Trang tin Công nghệ, Gaming và Giải Trí tổng hợp

Entertainment

Tính năng Format ổ đĩa bị Microsoft bỏ quên không cập nhật suốt 30 năm

Format, Microsoft

Ra đời từ năm 1994 cùng với Windows NT, nhưng giao diện người dùng của tính năng Format trên Windows 11 vẫn giống hệt như ngày đầu xuất hiện.

Windows 11 mang lại nhiều tính năng mới cũng như hiện đại hóa nhiều phần trong giao diện người dùng, bao gồm cả menu Settings và các ứng dụng lâu năm như Notepad và Paint. Nhưng với tuổi đời và quy mô khổng lồ của một hệ điều hành như Windows 11, không khó tìm được nhiều phần trong giao diện người dùng dường như đã bị Microsoft “bỏ quên” khi thiết kế của chúng vẫn giống như từng xuất hiện cách đây 30 năm.

Thậm chí giao diện một số thành phần với đang ở mức “tạm thời” như thời điểm nó xuất hiện lần đầu trước đây.

Một tính năng bị Microsoft bỏ quên không cập nhật, suốt 30 năm vẫn giữ nguyên giao diện "dùng tạm" như ngày đầu- Ảnh 1.

Trên dòng tweet của mình, cựu lập trình viên Microsoft, ông Dave Plummer đã chia sẻ lại hình ảnh về một trong những thành phần đó: hộp thoại tính năng Format – tính năng vẫn được sử dụng trong Windows 11 ngày nay khi cần format (định dạng lại) một ổ đĩa nào đó bằng Windows Explorer.

Plummer cho biết, chính ông là người đã viết nên hộp thoại Format đó vào cuối nâm 1994, khi nhóm của ông đang bận bịu với việc chuyển đổi giao diện người dùng từ Windows 95 sang Windows NT.

Một tính năng bị Microsoft bỏ quên không cập nhật, suốt 30 năm vẫn giữ nguyên giao diện "dùng tạm" như ngày đầu- Ảnh 2.

“Lúc đó chúng tôi đang chuyển hàng tỷ dòng code từ giao diện người dùng của Windows 95 sang NT và Format là một trong những khu vực mà Windows NT khác biệt hẳn so với Windows 95 đến mức chúng tôi phải đưa ra một số tùy chỉnh về giao diện người dùng.” Ông Plummer cho biết. “Tôi lấy ra một tờ giấy và viết ra các tùy chọn và lựa chọn mà bạn có thể thực hiện liên quan đến việc format ổ đĩa, như hệ thống tệp, gắn nhãn, kích thước cụm, khả năng nén, mã hóa, …”

Sau đó ông Plummer tạo ra một giao diện người dùng cơ bản để có thể bổ sung vào codebase của Windows NT như một giải pháp tạm thời “cho đến khi thành phần UI đẹp đẽ hơn xuất hiện”. Nhưng hóa ra việc nâng cấp giao diện cho tính năng này lại không bao giờ đến và gần 30 năm sau đó, giải pháp giao diện tạm thời mà ông Plummer đưa ra vẫn xuất hiện trong Windows 11 ngày nay.

Không chỉ giao diện hộp thoại của Format, một di sản mà ông Plummer để lại đến ngày nay là giới hạn kích thước định dạng 32GB của ổ đĩa dạng FAT trong Windows.

“Tôi cũng phải quyết định mức độ của “cluster slack” bao nhiêu là quá nhiều và điều đó dẫn đến việc hạn chế kích thước định dạng của ổ đĩa FAT ở mức 32GB.” Ông Plummer thừa nhận. “Giới hạn này cũng là một quyết định tùy tiện vào sáng hôm đó và điều đó đeo bám lấy chúng tôi như một tác dụng phụ kéo dài vĩnh viễn.”

Một tính năng bị Microsoft bỏ quên không cập nhật, suốt 30 năm vẫn giữ nguyên giao diện "dùng tạm" như ngày đầu- Ảnh 3.

Ra đời cùng với Windows NT vào năm 1994, sau 30 năm giao diện của hộp thoại Format này vẫn giống hệt như lần đầu xuất hiện.

Trên thực tế, ổ đĩa FAT có thể hỗ trợ kích thước lên đến 2TB nhưng bạn cần đến một công cụ bên thứ ba trong Windows để tạo ra ổ đĩa này, nhưng ngay cả như vậy, hệ điều hành của Microsoft cũng có thể sẽ không đọc chính xác được các ổ đĩa FAT kích thước quá lớn này.

Trải qua nhiều lần cải tổ về giao diện người dùng trong Windows, Microsoft vẫn bỏ qua hộp thoại Format này kể từ khi nó được giới thiệu lần đầu trong Windows NT 30 năm về trước. Có thể Microsoft đã “bỏ quên” tính năng này hoặc cũng có thể đây là một ví dụ điển hình cho câu nói “Cái gì không hỏng thì đừng sửa”.

Ông Plummer còn tham gia vào nhiều thành phần khác của các ứng dụng trong MS-DOS và Windows của những năm 90 và đầu những năm 2000, bao gồm cả Task Manager, trò chơi Space Cadet Pinball và phiên bản đầu tiên của hệ thống kích hoạt bản quyền đi kèm với Windows XP. Ông rời Microsoft năm 2003.

Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/mot-tinh-nang-bi-microsoft-bo-quen-khong-cap-nhat-suot-30-nam-van-giu-nguyen-giao-dien-dung-tam-nhu-ngay-au-a408407.html